Thitruongtoday - Bản tin hàng ngày

Bí mật đằng sau những chai rượu đế Gò Đen

Nếu như miền Trung nổi tiếng với rượu Bàu Đá (Bình Định), miền Bắc nổi tiếng với rượu Làng Vân (Bắc Giang) thì Gò Đen là loại rượu nổi tiếng ở Long An. Rượu Gò Đen Long An là loại rượu có hương vị độc đáo được nhiều người ưa chuộng và biết đến.

Loại rượu này được gắn với địa danh Gò Đen (gồm 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức tỉnh Long An) và nổi tiếng với bí mật đằng sau quy trình sản xuất ra loại này.

Dưới đây là một số bí mật đã được giải mã của loại rượu đế Gò Đen.

Bí mật đằng sau những chai rượu đế Gò Đen 1

Rượu đế Gò Đen

Nguồn gốc rượu đế Gò Đen

Địa danh Gò Đen có tên từ khi Chúa Nguyễn khai phá vùng đất phương Nam, đây là một gò đất cao, đất thịt được phù sa bồi đắp nên có màu đen nên mới có tên gọi như vậy cho đến ngày nay.

Rượu đế Gò Đen là loại rượu có từ trước thời Pháp Thuộc. Trong thời kì Pháp thuộc, Pháp muốn độc quyền sản xuất và quản lý rượu nên đã cấm người dân nấu rượu thủ công. Tuy nhiên, loại rượu công nghiệp do Pháp sản xuất mang vào nước ta không ngon và không hợp khẩu vị cho nên người dân vẫn lén lút nấu rượu. Khi bị quân Pháp khám xét, bắt bỏ thì người dân đã đem dấu trong đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế. Từ đó, tên gọi rượu đế Gò Đen ra đời và tồn tại cho đến bây giờ.

Quy trình nấu rượu đế Gò đen

Để sản xuất ra loại rượu đế Gò đen thơm ngon phải diễn ra đủ 4 giai đoạn đó là: chọn nguyên liệu, nấu cơm ủ men, chưng cất và ngâm rượu.

1. Chọn nguyên liệu nấu rượu

Có thể nói, đây là khâu quan trọng nhất để nấu lên được loại rượu ngon. Rượu có được đế ngon thì gạo nấu để nấu phải tuyển chọn hạt gạo nếp tròn, mẩy, trắng đục đều, có hương thơm mạnh (thường là gạo nếp hương, nếp ngỗng).

Bí mật đằng sau những chai rượu đế Gò Đen 2

Chọn gạo nếp chọn để nấu rượu phải hạt tròn, mẩy, trắng đục đều, có hương thơm mạnh

2. Nấu cơm và ủ men rượu

Chọn nguyên liệu để nấu rượu quan trọng, nhưng ủ men cũng là khâu cực kỳ quan trọng tạo nên loại rượu đế Gò Đen Long An.

Sau khi lựa chọn được loại gạo nếp tốt, gạo nếp sẽ được vo sạch và nấu bằng than củi hoặc hấp chín bằng tủ nấu cơm công nghiệp nếu nấu với số lượng nhiều. Sau khi cơm chín và làm tơi, để nguội rồi rắc men đã được tán nhỏ rồi cho vào Khạp sạch (Khạp tương tự như chum sành đựng rượu) ủ kín. Quá trình này thông thường diễn ra trong 3 ngày.

Cho đến ngày thứ 4, bắt đầu đổ nước ao đã qua lọc cặn (hoặc nước mưa) vào Khạp để tiếp tục ủ lỏng. Quá trình này thông thường kéo dài khoảng 4 ngày vì phụ thuộc vào 1 loại men. Tuy nhiên, ủ quá 4 ngày cơm rượu nếp sẽ bị nát dẫn đến chất lượng rượu thu được chua, bốc hèm, khê khét.

3. Quá trình chưng cất Rượu Đế Gò Đen

Sau khi ủ lỏng, nếu thấy đáy Khạp không còn một hạt gạo nếp thì bắt đầu đưa vào chưng cất.

Quá trình chưng cất rượu diễn ra khoảng 3-4h tùy theo lượng cơm nấu. Cách nấu rượu Đế Gò Đen truyền thống bằng những chiếc nồi nấu củi thủ công tuy tốn nhiều thời gian, nhưng chất lượng rượu sẽ đảm bảo và thơm ngon hơn những công nghệ nấu rượu hiện đại theo hướng công nghiệp sử dụng nồi nấu rượu bằng điện.

Bí mật đằng sau những chai rượu đế Gò Đen 3

Nấu rượu Đế Gò Đen truyền thống bằng nồi nấu củi thủ công chất lượng rượu thơm ngon

4. Ngâm rượu

Đây là bước cuối cùng để có được loại rượu đế ra lò thơm ngon. Người ta cho rượu vào hũ sành, bịt kín rồi ngâm xuống ao khoảng 100 ngày mới mang lên uống. Đây là tác nhân chính tạo nên một loại rượu đế thơm ngon như vậy.

Đặc biệt, một trong những bí quyết nấu rượu Gò Đen là phải chọn đúng vùng thổ nhưỡng, bởi rượu đế Gò Đen rất được nhấn mạnh về vấn đề thổ nhưỡng chứ không như bao loại rượu khác. Nên để có một sản phẩm ngon, rượu đế Gò Đen phải được nấu tại vùng Gò Đen.

Lưu ý: Để nhận biết rượu đế Gò Đen, dân sành rượu thường dùng cách lắc chai để nhận biết rượu ngon hay dở. Rượu ngon khi lắc chai sẽ nổi bọt và phân thành 3 tầng rõ rệt, chậm tan hơn so với bình thường.

Xem thêm: